Đào tạo nghề gồm hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng (cho lao động nông thôn và cho lao động xã hội) góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất - kinh doanh và gắn với nhu cầu giải quyết việc làm của người lao động ở nông thôn theo hướng gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới hàng năm; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của người lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu đến cuối năm 2020 góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 70%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 51%.

Theo đó, tổng số lượng lao động tuyển mới đào tạo nghề là 8.000 người; gồm đào tạo nghề dài hạn 3.000 người (Cao đẳng 1.500 người, Trung cấp 1.500 người); đào tạo nghề ngắn hạn gồm: Lao động nông thôn 2.400 người (Nghề phi nông nghiệp 1.650 người, nghề nông nghiệp 750 người); Lao động xã hội 2.600 người.

Đối tượng học nghề dài hạn là học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng dạy nghề ngắn hạn là lao động trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề, gồm lao động nông thôn từ đủ 15 tuổi đến dưới 60 tuổi (đối với nam), dưới 55 tuổi (đối với nữ), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học; bao gồm: Người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã; người lao động có hộ khẩu thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi (Trong các đối tượng nêu trên, ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi, ngư dân.) và lao động khác.

Nguồn: phuyen.gov.vn