Hãy cùng điểm qua 8 nghề nghiệp cho người thích vẽ. Từ đây, bạn không chỉ thỏa mơ ước trong đam mê hội họa mà còn kiếm ra tiền một cách xứng đáng.

Họa sĩ truyền thống

Đây được xem là công việc “cổ điển” nhất của người thích vẽ. Bạn sử dụng kiến thức về mỹ thuật, lựa chọn nguyên liệu thích hợp (màu nước, màu sáp,…) để tạo nên các bức tranh độc đáo. Nghề nghiệp sẽ gian truân trăm bề trong thời gian đầu mới lập nghiệp, nhưng sẽ dễ thở hơn khi bạn đã dần có chút tiếng tăm. Bạn có thể tùy chọn thêm các nghề truyền thống tương tự như vẽ bảng hiệu, áp phích quảng cáo.

Vẽ truyện tranh, minh họa bìa sách

leftcenterrightdel
 
 

Nếu bạn có chút khiếu hài hước, óc tưởng tượng phong phú và khả năng kể chuyện thì có thể trở thành họa sĩ truyện tranh. Còn nếu bạn yêu thích việc đọc sách thì có thể trở thành họa sĩ chuyên vẽ tranh minh họa bìa. Nhu cầu đọc và số lượng sách xuất bản luôn tăng nên bạn sẽ không khó tìm được việc trong các nhà xuấn bản, công ty in ấn. Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, đây được xem là lựa chọn thú vị với giới trẻ bởi bạn sẽ được thoải mái bay bổng, ít phải chịu sự ràng buộc.

Thiết kế giao diện web, phần mềm

Bên cạnh hội họa, nếu bạn còn có thêm niềm đam mê với công nghệ thông tin thì nên chọn nghề thiết kế giao diện web. Cơ hội làm việc rộng mở bởi bất kì doanh nghiệp nào cũng cần một trang tin tức trực tuyến riêng. Bạn cần học thêm kiến thức về lập trình web như SQL, PHP.

Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn làm nhà thiết kế giao diện UX (User experience) cho phần mềm, ứng dụng điện thoại. Công việc có nhiều cơ hội tiềm năng bởi số lượng ứng dụng “khủng” mới mỗi ngày, tuy nhiên bạn cũng cần thêm hiểu biết về ngôn ngữ lập trình ứng dụng như JavaScript.

Chuyên viên thiết kế đồ họa 2D – 3D

leftcenterrightdel
 
 

Thiết kế đồ họa ứng dụng là “đứa con lai” giữa mỹ thuật với công nghệ thông tin. Do vậy, bạn có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp như in ấn danh thiếp, tờ rơi, bảng hiệu, hình ảnh quảng cáo các loại. Để làm được công việc này bạn cần nắm vững các phần mềm đồ họa chuyên dụng như Corel, Adobe Photoshop.

Ngoài ra, bạn còn có thể mở rộng sang lĩnh vực 3D với thiết kế nhân vật phim hoạt hình, đồ họa game. Ngoài yêu cầu chuyên môn, bạn cần phải có thêm các kỹ năng mềm để tương tác với đội nhóm trong những dự án lớn.

Giám đốc nghệ thuật

Đây được xem là vị trí mơ ước của không ít người yêu thích hội họa sáng tạo. Bạn sẽ chịu trách nhiệm chính trong thương thảo khách hàng, giám sát ngân sách, lên ý tưởng hình ảnh, quản lý đội ngũ thiết kế, và bảo đảm tiến độ dự án. Địa điểm làm việc đa dạng ở các cơ quan quảng cáo, báo chí, công ty truyền thông.

Thiết kế thời trang

Bạn yêu thích làm đẹp và thích sự phá cách trong quần áo, phụ kiện thì hãy chọn nghề thiết kế thời trang. Công việc của bạn là nghiên cứu phong cách thời trang, phác họa ý tưởng sáng tạo lên giấy, chọn tông màu, nguyên liệu và kiểu dáng của sản phẩm. Bạn có thể cung cấp bộ sưu tập quần áo độc quyền cho một nhãn hiệu bán hàng, hoặc mở ra cửa hiệu theo phong cách riêng. Nhưng “vòng đời” sản phẩm thường ngắn, cạnh tranh khốc liệt nên bạn cần phải liên tục đổi mới.

Kiến trúc sư

Bạn có niềm yêu thích với những tòa nhà đẹp, có cái nhìn tổng quan tốt về mặt phẳng, không gian công trình thì nên chọn nghề kiến trúc sư. Tốc độ đô thị hóa cao cùng nhu cầu nhà ở lớn nên các kiến trúc sư không khó kiếm việc làm. Bạn có thể làm trong các công ty chuyên về xây dựng, các cơ quan quy hoạch nhà nước. Công việc này không chỉ đòi hỏi tư duy nghệ thuật kiến trúc, mà còn cần thêm kiến thức tốt về toán học và không gian để tạo nên những bản vẽ chất lượng.

Thiết kế nội thất

Nội thất trong căn nhà ngày càng được chú trọng, đặc biệt là ở những thành phố lớn với kiểu nhà chung cư nhỏ hẹp, hoặc trung tâm du lịch với homestay. Bởi một căn phòng được thiết kế “chuẩn” sẽ tạo cảm giác hài hòa, tiết kiệm không gian, tăng tính tiện nghi. Để làm được công việc này thì bạn phải có óc thẩm mỹ tốt, khả năng kết hợp ánh sáng, vật liệu, và bảo đảm sở thích cá nhân của khách hàng.

Theo Trung Thành (Khám Phá)