Thêm cách xác định “có việc làm” để thôi hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm năm 2013, người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Tìm được việc làm;

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

- Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng trong 03 tháng liên tục…

Trong đó, trường hợp “tìm được việc làm” được hướng dẫn cụ thể tại Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP. Và mới đây, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, việc người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên (quy định trước đây là đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 03 tháng trở lên);

- Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (thêm trường hợp có quyết định bổ nhiệm để phù hợp với việc giao kết hợp đồng làm việc);

- Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp (quy định hoàn toàn mới);

- Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm (quy định cũ).

Như vậy, từ ngày 15/7/2020, cách xác định “có việc làm” đã được bổ sung thêm cũng như thay đổi đáng kể so với các quy định trước đây theo phân tích ở trên nhằm tạo điều kiện cho người lao động mất việc làm được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

leftcenterrightdel

Thay đổi điều kiện chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (Ảnh minh họa) 

Thêm lý do được coi là không chính đáng khi từ chối việc làm

Nếu như trước đây, sau 02 lần người lao động từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đặc biệt, điểm đ khoản 1 Điều 21 Nghị định 28 nêu rõ 02 trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tự chối việc làm được xác định là không có lý do chính đáng gồm:

- Việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ của người lao động đã được đào tạo;

- Việc làm mà người lao động đó đã từng làm.

Trong khi đó, khoản 9 Điều 1 Nghị định 61 đã sửa đổi, bổ sung về “lý do không chính đáng” nêu trên gồm:

- Người lao động được giới thiệu việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ được đào tạo hoặc công việc người lao động đã từng làm được ghi trong phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động (gộp chung 02 trường hợp của quy định cũ);

- Người lao động đã tham gia dự tuyển theo giới thiệu của trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và được người sử dụng lao động tuyển dụng nhưng không nhận việc làm đã trúng tuyển, trừ trường hợp việc làm đó không đúng như thông báo tuyển lao động (quy định mới).

Như vậy, ngoài hai lý do được cho là “không chính đáng” đã được quy định tại Nghị định 28 thì Nghị định 61 đã bổ sung thêm 01 trường hợp nữa

Nguồn: luatvietnam.vn